Đợt tấn công An Lộc lần thứ 2 Trận_An_Lộc

Ngày 14 tháng 4 năm 1972 An Lộc vẫn bị xiết chặt trong vòng vây chừng vài cây số vuông. Lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa không bung ra ngoài được để hoạt động. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn III muốn lập một đầu cầu mở cửa ra vào An Lộc, nới rộng tầm hoạt động của lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa. Mặt bắc, mặt tây, mặt nam đều bị bít kín, chỉ còn mặt đông nam, với những ngọn đồi thoai thoải. Tướng Minh trao nhiệm vụ này cho Trung đoàn 15 dưới quyền Đại tá Hồ Ngọc Cẩn.[17]

Cuộc họp mặt tại căn cứ Lai Khê giữa Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù, Trung tướng Nguyễn Văn Minh và Đại tá Lê Quang Lưỡng kết thúc mau chóng. Sau 5 vòng bay trực thăng quan sát, Đại lá Lưỡng chọn ấp Srok Ton Cui làm bãi đáp, nơi này nằm về phía Đông cách An Lộc 4 km.

Ngày 14 tháng 4 năm 1972, Tiểu đoàn 6 Dù được trực thăng vận xuống trước để dọn bãi đáp. Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 8 cùng Bộ chỉ huy của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù xuống theo. Sau đó Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù ở lại Ðồi Gió trấn giữ đoạn hậu (về sau bị đối phương đánh tả tơi). Còn hai tiểu đoàn kia là 2 cánh quân song song tiến vào An Lộc và họ gặp sự phản kích quyết liệt của đối phương.

Sáng 15 tháng 4, Quân Giải phóng tấn công mạnh vào phía bắc thị trấn An Lộc. Một số xe tăng đã chọc thủng phòng tuyến phía Bắc, di chuyển xuống đến nửa phía nam thành phố, nhưng vài xe tăng cũng bị bắn cháy. Cả đội hình tạm dừng. Các tổ lái T-54 mới từ miền Bắc vào nên không thông thạo đường đi, không có khả năng chiến đấu trong đô thị, bị mắc bẫy phục kích của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng.

Rút kinh nghiệm lần trước, lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa tập trung bắn thiết giáp, không chỉ bằng M-72 mà bằng cả súng cối B-40/B-41 tịch thu được của QGP khi họ tấn công vào thành phố. Trong các cuộc giao tranh này, QGP để lộ rõ một khuyết điểm lớn trong kỹ thuật tác chiến trong thị trấn: thiếu phối hợp giữa bộ binh và cơ giới. Lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa ẩn nấp trên các cao ốc, trong các hầm trú ẩn, tại bất cứ nơi nào kín đáo mà họ thuộc nằm lòng để chĩa tất cả họng súng đủ loại vào một mục tiêu quá lớn, và quá rõ ràng đang di chuyển trên đường phố, trong lúc đôi bên chỉ cách nhau trong vòng 10 mét thì lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa tấn công.

Do QGP từ xa tới, không thông thạo đường sá, không biết rõ địa thế bằng những binh sĩ Việt Nam Cộng hòa từng đóng quân từ lâu tại An Lộc, do đó đã phát sinh thêm một số thiệt hại không đáng có. Đến đây thì sức tấn công của họ giảm sút đáng kể, và số xe tăng còn lại chẳng bao nhiêu.

Theo tài liệu từ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam:

"Riêng Mặt trận Bình Long ta không dứt điểm được. Giữa tháng 4/1972 địch tập trung cố thủ với 5 Lữ đoàn, lực lượng Không quân chi viện tăng gấp nhiều lần trong khi ta bị thương vong hao hụt, sức tiến công giảm sút. Rõ ràng thời cơ dứt điểm Bình Long không còn, ta chuyển sang bao vây cô lập."[18]

Ngày 9 tháng 4/1972 tại Quảng Trị, Tiểu Ðoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến dùng M-72 (súng phóng hỏa tiễn chống chiến xa, thuộc loại vũ khí cá nhân) tiêu diệt nhiều xe tăng của đối phương ở căn cứ Phượng Hoàng. Chiến thắng đầu tay này được loan truyền mạnh mẽ trên hệ thống truyền thanh của Việt Nam Cộng hòa.

Cũng trên làn sóng này, kỹ thuật bắn thiết giáp cũng được phổ biến, hướng dẫn, giải thích tường tận. Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, hầu như mỗi người đều có một máy thu thanh bỏ túi để nghe âm nhạc. Họ được phổ biến cách sử dụng vũ khí chống chiến xa, và các cấp chỉ huy mặt trận không bỏ qua cơ hội này để luyện tập thêm tại chỗ, như trường hợp của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, ngay sau trận tấn công bằng xe tăng đầu tiên của đối phương vào An Lộc.

Ngày 15 tháng 4/1972, Trung tướng Nguyễn Văn Minh dời Bộ Tư lệnh Quân Ðoàn 3 đến Lai Khê để trực tiếp chỉ huy mặt trận Bình Long. Họ đã huy động lực lượng Nhảy Dù, Bộ Binh, Thiết Kỵ khoảng 20.000 binh sĩ để giải tỏa Quốc lộ 13 cùng hỏa lực yểm trợ hạng nặng.

Lúc ấy, Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, đang hoạt động bên trong phòng tuyến địch, cũng được trực thăng bốc hết về An Lộc vào ngày 16 tháng 4/1972, để tiêu diệt các tổ đặc công của đối phương lọt được vào thị xã sau hai lần tấn công. Lính Biệt Cách Nhảy Dù được huấn luyện để đơn độc chiến đấu, quen cách tác chiến, thói quen và vũ khí đối phương. Chính các tổ Biệt Cách Dù này đã thanh toán các toán đặc công đang lẫn trong dân.

Sau khi quân Nhảy Dù bắt tay được với quân trấn thủ, họ liền nới rộng vòng đai về phía Nam. Không lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ hoạt động mạnh. Pháo đài B-52 dội bom nhiều nơi chỉ cách An Lộc một cây số về phía Bắc, gây nhiều thiệt hại cho quân tấn công. Lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa cố nới rộng vòng đai phòng thủ, đồng thời di chuyển được chừng 2.000 dân chúng ra khỏi An Lộc để chạy về Chơn Thành.

"Trận tấn công Bình Long lần 2 của ta bất thành. Sau 4 ngày đột phá liên tục, 18 trên 25 xe tăng bị cháy hoặc bị hư hỏng nặng..."[18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_An_Lộc http://bcdlldb.com/TuSi/trang_tu_si_ld_81bcnd_1.ht... http://bcdlldb.com/vkn/anloc_1.html http://www.drublair.com/comersus/store/comersus_vi... http://www.spectrumwd.com/c130/articles/anloc.htm http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://fr.youtube.com/watch?v=RUK0qPYtk6E http://fr.youtube.com/watch?v=ZW_YWs_VBe0&feature=... http://www.tuoitrendt.de/sudoan9bb_mattrananloc72.... http://www-cgsc.army.mil/carl/resources/csi/willba... http://wikimapia.org/1842294/vi/